TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN
Lịch sử cách mạng cho đến giai đoạn đổi mới, hội nhập ngày nay, đối ngoại nhân dân luôn phát huy vai trò quan trọng trong việc triển khai chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã nhấn mạnh vai trò tiên phong của đối ngoại, với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Đến nay, Đảng ta đã ban hành 03 chỉ thị về công tác đối ngoại nhân dân: Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/9/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về “Mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân”; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 06/7/2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”; Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ công tác chuyên môn cho
Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tại Hà Nội, ngày 22-3-1960. Ảnh tư liệu/nguồn tuyengiao.vn.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại nhân dân có nguồn gốc từ chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hoá và ngoại giao của dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hoá và kinh nghiệm ngoại giao thế giới, kết hợp với thế giới quan và phương pháp luận mác-xít, là hệ thống gồm tổng hợp các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò, sức mạnh của nhân dân, về lợi ích quốc gia - dân tộc, về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; độc lập tự chủ, tự lực, tự cường đi liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế; về hoà bình, hữu nghị và hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc, mở rộng quan hệ đối ngoại, thêm bạn bớt thù; về ngoại giao tâm công dựa trên các giá trị chính nghĩa, tiến bộ và nhân văn; về phát huy sức mạnh tổng hợp và về nguyên tắc, sách lược đối ngoại.
Về lợi ích quốc gia - dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, Người nói “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích là ích quốc lợi dân” . Nói chuyện tại Hội nghị ngoại giao năm 1964, Người căn dặn “phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ”, “muốn làm gì cũng cần vì lợi ích dân tộc mà làm”. Về nội hàm của lợi ích quốc gia - dân tộc, trước hết, Người khẳng định “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, coi độc lập dân tộc là “quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm”, là mục tiêu hàng đầu và là điều kiện tiên quyết để nhân dân có cuộc sống tự do, hạnh phúc. Nhưng khi đã có độc lập rồi thì mục tiêu và nhiệm vụ trung tâm là giải phóng xã hội, giải phóng con người vì hạnh phúc của nhân dân. Người nói “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Từ đó, Người cho rằng: “Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn” , “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc” vì “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thoả mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa” . Do đó, có thể khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về nội hàm chính, cao nhất của lợi ích quốc gia - dân tộc là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chào mừng đồng chí Men Sam An sang thăm và dự Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, mang đến tình cảm đồng chí, anh em thắm thiết - Ảnh: TTXVN
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, độc lập tự chủ, tự lực, tự cường đi liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế là một nội dung hết sức quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò quyết định của nhân tố sức mạnh nội lực để “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Người nhận định “một dân tộc không tự lực cánh sinh mà ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”, “muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã”, “tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”, “có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do” và cho rằng: “Ta yếu thì ta chỉ là khí cụ trong tay kẻ khác, dầu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”. Đồng thời Người nhận thức rằng “điểm mấu chốt để làm cách mạng thành công là phải nhận thấy rõ luật thiên hạ tiến hoá để bước tới đường chính đạo”, “mọi người đều phải tuân theo trào lưu cách mạng thế giới... Việt Nam là một bộ phận của thế giới, cũng không thể đi ngược dòng lịch sử được” . Sức mạnh của thời đại theo quan điểm của Hồ Chí Minh bao gồm cả xu thế thời đại, sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần, trong đó đoàn kết quốc tế có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, Người chủ trương gắn đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế để tăng cường sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế, tuy phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết nhưng không phải là chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi. Người cho rằng “tinh thần yêu nước chân chính khác hẳn với tinh thần “vị quốc” của bọn đế quốc phản động. Nó là một bộ phận của tinh thần quốc tế” và luôn căn dặn “tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khăng khít với nhau”, “phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn”. Theo Người, cần thực hiện đoàn kết quốc tế không phải một chiều mà theo tinh thần “bốn phương vô sản đều là anh em” và “giúp bạn là tự giúp mình”, “mình hưởng được cái hay của người thì phải có cái hay cho người ta hưởng”.
Hoà bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng giữa các dân tộc trên tinh thần thêm bạn, bớt thù là chủ trương đối ngoại nhất quán của Hồ Chí Minh.
Trong quan hệ đối ngoại, Hồ Chí Minh luôn phân biệt rõ bạn, thù theo tinh thần “muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”. Tiêu chí trên hết để phân biệt bạn thù được Người xác định “Ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù” . Người chủ trương “thêm bạn, bớt thù” trên tinh thần “cầu đồng, tồn dị”, “không gây thù oán với một ai” và chỉ rõ “Thuật ngoại giao là làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết, nhiều bạn đồng minh hơn hết” . Đồng thời, Người cũng phân biệt giữa các đội quân xâm lược với nhân dân nước họ, luôn coi nhân dân các nước là lực lượng quan trọng cần tranh thủ, đoàn kết. Người nói “Mặc dù có cuộc chiến tranh đó và những vết thương do nó gây ra, chúng tôi vẫn luôn luôn là những người bạn của nhân dân Pháp và chúng tôi không bao giờ lầm lẫn nhân dân Pháp với bọn thực dân” . Người khẳng định “Nhân dân Việt Nam không bao giờ nhầm lẫn nhân dân Mỹ yêu chuộng công lý với những chính phủ Mỹ đã phạm nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam” và nói rõ: “Người Mỹ đến Việt Nam để bắn giết, để bị giết chết là điều sỉ nhục, nhưng người Mỹ đến để giúp đỡ Việt Nam với tư cách là nhà kinh doanh, chuyên gia kỹ thuật thì họ sẽ được nhân dân Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh” .
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại hoà hiếu, mở rộng, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại trên tinh thần “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Người tuyên bố “Việt Nam sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam” . Hồ Chí Minh cũng đề ra chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập quốc tế ngay từ rất sớm. Trong Lời kêu gọi Liên Hợp Quốc tháng 12/1946, Hồ Chí Minh tuyên bố “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ thuật của mình; b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc” . Hồ Chí Minh cũng là người chủ trương quan hệ bình đẳng giữa các dân tộc, chống lại mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Người nói: “Rằng đây bốn bể một nhà. Vàng, đen, trắng, đỏ đều là anh em”.
Trong quan hệ đối ngoại, Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng quan hệ với các nước láng giềng. Người đã dày công phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt với Lào và Cam-pu-chia, chủ trương “đối với nhân dân bạn Khơ-me và Lào, nước Việt Nam đặt mối quan hệ dựa trên nguyên tắc dân tộc tự quyết. Đã từng chịu ách đô hộ của thực dân Pháp, lẽ dĩ nhiên phải cùng nhau đấu tranh để cởi ách đô hộ đó, giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc kiến thiết và cùng nhau tiến lên trên con đường tiến bộ” . Mặt trận đoàn kết nhân dân 3 nước Đông Dương được hình thành, củng cố đã góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, bổ sung và nâng cấp lên thành quan hệ vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Mặc dù có không ít khác biệt về quan điểm, phương pháp với Chủ tịch Mao Trạch Đông nhưng với tinh thần “cầu đồng, tồn dị”, cách ứng xử tinh tế và thái độ chân thành, Người đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần hết sức to lớn của Trung Quốc đối với các cuộc kháng chiến của nhân dân ta, từ lãnh đạo đến người dân Trung Quốc đều có sự quý trọng sâu sắc đối với Người.
Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng luôn hết sức chú trọng quan hệ với các nước lớn. Người cho rằng: “Đời sống và xã hội hiện nay phụ thuộc trước hết vào những trung tâm công nghiệp lớn mạnh và những đường giao thông. Các nước lớn có vai trò quan trọng đối với vấn đề chiến tranh và hoà bình” và “Thế giới hoà bình có thể thực hiện nếu các nước trên thế giới, nhất là những nước lớn, đều sẵn sàng giải quyết những xích mích giữa các nước lớn bằng cách thương lượng” . Vì thế mà ngay sau Cách Mạng Tháng Tám thành công, Người đã trực tiếp gửi thư cho Tổng thống Mỹ H. Truman đề nghị công nhận và thiết lập quan hệ thân thiện với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Người chủ trương cần tranh thủ và hết sức tránh đối đầu với các nước lớn, đề ra phương châm “dàn xếp sao cho đại sự thì thành tiểu sự và tiểu sự thì thành vô sự”.
Ngoại giao tâm công là một đặc điểm nổi bật, xuyên suốt trong hoạt động đối ngoại của Hồ Chí Minh. Người chủ trương xử lý mọi vấn đề một cách “có lý, có tình”, luôn coi trọng và đề cao các giá trị đạo lý, chính nghĩa, tiến bộ và nhân văn trong mọi chính sách, chủ trương và hoạt động đối ngoại nhằm thu phục nhân tâm, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của rộng rãi nhân dân thế giới. Tinh thần nhân đạo của Hồ Chí Minh được thể hiện nhất quán kể cả đối với kẻ thù. Khi đến thăm các tù binh Pháp mùa đông năm 1950, Người đã tự tay cởi áo bông của mình để mặc cho một đại úy quân y Pháp đang run lên vì rét khiến người này hết sức cảm động. Người nói “máu của người Việt và người Pháp đều quý như nhau”, “chẳng những chúng tôi đau xót vì đồng bào chúng tôi phải gian khổ hy sinh, mà chúng tôi cũng thương xót cho các bà mẹ và người vợ Mỹ đã mất con, mất chồng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở miền Nam Việt Nam do bọn quân phiệt Mỹ tiến hành”. Ngay trong khi đang chiến đấu chống quân xâm lược, Người vẫn chỉ đạo không được sỉ nhục đối phương, chủ trương: “Lúc nào nó muốn đi ra, tạo điều kiện cho nó ra đi, đừng làm nhục nó” và cam kết “sẵn sàng rắc hoa, trải thảm đỏ cho Mỹ rút quân khỏi Việt Nam”. Người căn dặn phái đoàn đàm phán của ta tại Hội nghị Paris: “Mỹ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc phải ngồi đàm phán, thương lượng đã là thất bại rồi, vì thế Bác yêu cầu là không được làm Mỹ mất mặt”. Ngoại giao tâm công của Hồ Chí Minh đã có tác dụng hết sức quan trọng trong việc phân hoá hàng ngũ kẻ thù, tập hợp được rộng rãi mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam trong thế kỷ 20. Trong các hoạt động đối ngoại, Người không chỉ tiếp xúc với các chính khách, quan chức mà còn luôn chú ý tiếp xúc rộng rãi với các nhân sĩ, học giả, phóng viên, đại diện các tầng lớp nhân dân các nước để giới thiệu, vận động cho cách mạng Việt Nam. Người luôn giữ phong cách bình dị, gần gũi, thái độ cởi mở, chân thành, tôn trọng đối tác.
Phát huy sức mạnh tổng hợp là tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam nói chung và công tác đối ngoại nói riêng. Trước hết, đó là sự kết hợp được sức mạnh dân tộc và sức mạnh đoàn kết quốc tế. Người nhấn mạnh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” vì “đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”, “đoàn kết là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt” . Năm 1944, tại Hội nghị các đoàn thể cách mạng Việt Nam họp tại Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc, Người nói: “Không có một sức mạnh thống nhất của cả nước, không có sự giúp đỡ mạnh mẽ của bên ngoài, công cuộc vận động giải phóng khó mà thành công được” .
Sức mạnh tổng hợp về đoàn kết quốc tế được Người chỉ đạo xây dựng với nhiều tầng nấc gồm đoàn kết 3 nước Đông Dương, đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, đoàn kết với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đoàn kết với phong trào giải phóng dân tộc, đoàn kết với các phong trào, lực lượng yêu chuộng hoà bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới... Sức mạnh tổng hợp về nội lực được Người xác định gồm sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp giữa sức mạnh chính trị, kinh tế, quân sự với ngoại giao. Sức mạnh tổng hợp trong công tác đối ngoại được Người luôn chú trọng phát huy là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối ngoại Đảng với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trong đó, Người đặc biệt coi trọng và hết sức quan tâm phát triển mặt trận đối ngoại nhân dân, đã trực tiếp chỉ đạo thành lập và hoạt động của nhiều tổ chức đối ngoại nhân dân ta như Hội Việt - Mỹ thân hữu, Hội Việt - Hoa hữu hảo, Ủy ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam,... ngay từ những ngày đầu cách mạng.
Trong xử lý các quan hệ và vấn đề đối ngoại, Người luôn kiên định về nguyên tắc và linh hoạt về sách lược theo phương châm chỉ đạo “dĩ bất biến ứng vạn biến”, trong đó, điểm “bất biến” là lợi ích cốt lõi của quốc gia - dân tộc thuộc phạm trù nguyên tắc không thể nhân nhượng, thoả hiệp và điểm “vạn biến” là không gian sách lược có thể ứng xử linh hoạt trên cơ sở “nhìn cho rộng, suy cho kỹ” và theo các phương châm “biết người, biết ta, biến tiến, biết dừng, biết biến hoá” và “giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta vận dụng triệt để và sáng tạo đã phát huy được sức mạnh của đối ngoại nhân dân góp phần quan trọng vào những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới, mở cửa của đất nước ta trong suốt gần 70 năm qua và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển của công tác đối ngoại nhân dân nước ta trong thời kỳ mới.
Nguồn: Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh